NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | DIỄN BIẾN TÂM TRẠNG NHÂN VẬT THỊ

Ngày 08/06/2021 14:12:30, lượt xem: 8642

Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật thị từ khi về nhà Tràng tối hôm trước đến sáng hôm sau trong truyện ngắn “Vợ nhặt” - Kim Lân. Từ đó chỉ ra vẻ đẹp của người lao động trước cách mạng.

 

 

Bài viết:

Có ai đó nói rằng: “Người phụ nữ là một nửa thế giới”. Và quả thật, hình ảnh người phụ nữ luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ trong văn học. Chúng ta đã gặp không ít những số phận người phụ nữ bi thương trong các tác phẩm văn học Việt Nam, đó là một nàng Vũ Nương oan khuất, một nàng Kiều bi kịch, một Chị Dậu tủi hờn... Nhưng khi tiếp cận với dòng văn học cách mạng, vẫn những người phụ nữ ngày xưa ấy lại được trao cho sức sống mới mạnh mẽ, đứng dậy làm chủ đời mình. Một trong những nhân vật văn học nữ tiêu biểu cho hình ảnh đó là thị trong truyện ngắn “Vợ nhặt của” Kim Lân. Thị được khắc họa và hình dung rõ những nét tâm lý, diễn biến tâm trạng trong đoạn theo Tràng về nhà tối trước đến sáng hôm sau. Qua nhân vật này, ta thấy được phần nào vẻ đẹp của người lao động trước cách mạng.

Được nhắc đến như một cây bút chuyên viết truyện ngắn, Kim Lân rất có duyên viết về con người và làng quê Việt Nam, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống con người của làng quê Việt Nam nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời, thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa. “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” (1962). Tiền thân của truyện ngắn là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và bị thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại vào năm 1954, ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này. Truyện xoay quanh nhân vật Tràng - nghèo khó, xấu xí nhưng lại nhặt được vợ - thị giữa những năm tháng của nạn đói. Diễn biến tâm trạng thị từ khi theo Tràng về vào đêm hôm trước đến sáng hôm sau có nhiều chuyển biến phức tạp, đồng thời bộc lộ nhiều vẻ đẹp của người lao động trước cách mạng.

Khi viết về nhân vật thị, Kim Lân có vẻ khá kiệm lời. Thị hiện lên trong tác phẩm với con số không tròn trĩnh: Không tên tuổi, không quê quán, không nghề nghiệp, không người thân, không gia đình. Vẻ ngoài của thị được miêu tả vô cùng thảm hại: “Áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Chỉ qua hai lần gặp gỡ, bốn bát bánh đúc, mấy câu bông đùa, thị đã theo không Tràng về làm vợ. Thị bấu víu lấy Tràng như người sắp chết đuối vớ được phao trong bể lũ nạn đói khốn khổ. Trên đường về nhà Tràng, thị bị trẻ con và người dân trong xóm nhòm ngó, chỉ trỏ, thị “ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia”. Hành động và tâm trạng của thị được tác giả mở ra và đào sâu từ đó.

Nếu ở những lần đầu gặp gỡ, thị hiện lên là một người phụ nữ chao chát, chỏng lỏn, không có ý tứ thì khi trở thành vợ Tràng, thị có những thay đổi bất ngờ. Về đến nơi, thị “lẳng lặng theo hắn vào trong nhà”, đảo mắt nhìn “cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”. Thị nén một tiếng thở dài. Không hẳn tiếng “thở dài” ấy là bởi nhìn thấy cảnh nghèo túng xác xơ của nhà Tràng. Thị chắc thừa hiểu và đoán được hoàn cảnh của một người đi kéo xe bò thuê. Thị theo về nhưng trong lòng vẫn chưa dứt khoát lắm. Thị theo như một sự liều mình. Nhưng khi đặt chân vào ngõ, khi không thể thêm lần thay đổi được tình cảnh, phải thực sự chấp nhận cuộc sống mới dù cuộc sống đó có thế nào đi nữa, thì một tiếng thở dài là không tránh khỏi. Thị “nén” tiếng thở dài. Đó là hành động ý nhị, giữ cho Tràng chút thể diện, cũng là để an ủi mình chấp nhận số phận. Khi bước vào nhà, sau tấm phên rách, “những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất” đập vào mắt thị. Nghe Tràng giải thích: “Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!”, thị chỉ “nhếch mép cười nhạt nhẽo”. Hành động của thị là khinh bỉ ư? Không phải. Chính Kim Lân trong một lần phỏng vấn đã thanh minh cho thị. Ông nói: “Thị “nhếch mép” nhạt nhẽo vì ý khác. Thị tủi cho cái thân phận của thị, thân phận theo trai vì đói: thị biết thị theo Tràng chỉ vì đói và như thế không xứng đáng gì với tư cách người đàn bà trong gia đình Tràng vừa gán cho”. Rõ ràng, thị là người đàn bà có suy nghĩ sâu xa, ý thức sâu sắc về thân phận của mình. Dẫu có thất vọng đôi chút về hoàn cảnh của người tự khoe “rích bố cu” nhưng thị hiểu rằng ngoài Tràng, sẽ chẳng có ai cứu vớt thị, chẳng có ai dám “đèo bòng” trong cái “tao đoạn” này.

Trong khi Tràng suốt ruột chờ mẹ về để thưa chuyện, thị ở trong nhà chỉ dám “ngồi mớm ở mép giường”. Thị đã có sẵn mặc cảm về thân phận mình cho nên đã chấp nhận hoàn cảnh sống với đôi mắt vô hồn nhìn “bần thần” đâu đó. Thị chỉ dám ngồi ở mép giường. Tư thế “ngồi mớm ở mép giường” và hai tay vẫn không rời cái thúng, chứng tỏ thị hơn ai hết hiểu rõ số phận của mình. Cái dáng ngồi cũng chênh vênh như cuộc đời thị lúc này. Hẳn thị đang lo lắng và cả đôi chút sợ hãi. Sợ khi ở một nơi hoàn toàn xa lạ, lo vì chắc gì mẹ Tràng đã chấp nhận cho thị về làm vợ Tràng. Nếu mẹ Tràng không đồng ý, cuộc đời thị sẽ đi về đâu. Thị làm ta nhớ đến số phận long đong của những người phụ nữ, nhất là phụ nữ trong xã hội xưa:

“Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”

Hay

“Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác, biết là về đâu?”

Kiều, thị hay bao người con gái vô danh trong ca dao đều có số phận mong manh, trôi nổi, đều bị những cơn sóng dữ của cuộc đời xô đẩy không thương tiếc. Những khác với những người con gái trong xã hội cũ chỉ biết cam chịu và chấp nhận, thị đã mạnh mẽ đứng lên tự giành lấy sự sống cho mình. Đây cũng là vẻ đẹp mới của con người, nhất là người phụ nữ trong văn học hiện đại khác với văn học thời kì trước đó.

Khi mẹ Tràng về, thị không ngồi nữa mà đứng dậy vừa thể hiện tâm trạng lo lắng, vừa cho thấy thái độ tôn trọng bà cụ Tứ của thị. Thị chào hai lần, lễ phép. Không còn thấy thị vồ vập, vô duyên khi bị cái đói dồn ép nữa, bây giờ thị mẫu mực, lễ phép, ngoan hiền, mang tâm trạng của một nàng dâu mới khép nép trước mặt mẹ chồng. Đứng trước bà cụ Tứ, trông thị rất đáng thương: "cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt". Nghe bà cụ Tứ nói: "Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân" thị "vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ". Đó là tâm trạng của một người con gái lấy chồng không một quả cau, một lá trầu, không lễ rước cưới hỏi. Tủi cho cảnh ngộ. Tủi cho duyên số. Thật đáng thương bao! Chỉ trong một buổi tối ngắn ngủi, thông qua diễn biến tâm trạng, Kim Lân đã cho người đọc thấy được những những vẻ đẹp khuất lấp của thị. Thị hiện lên trong tâm thức người đọc là nạn nhân cái đói nhưng ẩn sâu trong vỏ bọc xấu xí và khốn khổ là một cô gái sâu sắc, lễ phép, ý tứ, thấu hiểu lẽ đời. Thị là đại diện cho vẻ đẹp thuần hậu, chất phác những cô gái Việt Nam từ bao đời:

“Thân em như củ ấu gai,

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen.

Ai ơi nếm thử mà xem!

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi.”

Tối theo Tràng về, thị đã bộc lộ nhiều nét tính cách tốt đẹp. Đến sáng hôm sau, tâm trạng và hành động của thị càng thể hiện rõ điều đó. Nàng dâu mới rất biết ý tứ: Dậy sớm cùng mẹ chồng quét tước, thu dọn nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, xây đắp tổ ấm hạnh phúc. Thị đã thay đổi hoàn toàn qua điểm nhìn của Tràng: “Tràng nom thị hôm nay khác hẳn, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực....” Tiếng chổi quét sân của Thị "kêu sàn sạt trên mặt đất" tưởng như niềm vui đang xôn xao trong lòng Thị? Thị "lẳng lặng" đi vào bếp dọn bữa ăn sáng. Nhà văn không miêu tả kĩ nội tâm nhân vật thị, chỉ để hình ảnh thị hiện lên qua con mắt và cảm nhận của những nhân vật khác. Tràng cảm thấy vợ mình “khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực”. Bà cụ Tứ đã có "nàng dâu mới", Tràng đã có vợ. Thị đã đem sinh khí, thông tin mới mẻ về thời cuộc cho mẹ con Tràng. Hẳn tâm trạng thị cũng thoải mái và vui vẻ thì mới có thể truyền cảm giác ấy đến mẹ con Tràng.

Trong bữa cơm ngày đói đón nàng dâu dù chỉ có “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được hai bát lưng đã hết nhẵn” nhưng không khí gia đình vẫn rất đầm ấm. Khi được mẹ chồng đãi món “chè khoán” “ngon đáo để”. “Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại”. Thị nhận ra ngay đó là cháo cám rất đắng, chát, khó ăn nhưng thị không biểu hiện gì là không vui hay không vừa ý. Thị vẫn “điềm nhiên và vào miệng”. Đây là một chi tiết rất đắt, vừa thể hiện sự tinh tế, sâu sắc trong nhận thức vừa là sự khéo léo trong cách cư xử của người đàn bà tưởng như vô học nọ. Chị hiểu ra cơ sự của mẹ con Tràng nhưng chị không muốn làm mất đi niềm vui của người mẹ chồng già nua, tội nghiệp. Thị nuốt thẳng miếng cháo cám vì sợ mẹ phiền lòng. Hơn nữa trong sâu thẳm suy nghĩ của thị, thị chấp nhận cuộc sống khổ cực dẫu tương lai còn mờ tịt. Để có bữa cháo cám này, để giành giật lấy sự sống này, thị đã phải đánh đổi cả danh dự và nhân phẩm. Bởi vậy hơn ai hết, thị khát khao được sống, khát khao có được hạnh phúc, khát khao được yêu thương. Thị bây giờ mang một tâm thế khác, tâm thế của một người vợ, một cô con dâu đảm đang, đúng mực, vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Thị hướng tới một tương lai tươi sáng khi người phụ nữ này chính là người nói nhiều nhất về đoàn người đi phá kho thóc của Nhật. Thị đã khai sáng cho Tràng và bà cụ Tứ để rồi hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc và lá cờ đỏ sao vàng cứ xuất hiện mãi trong tâm trí của Tràng. Ta cảm thấy nhân vật vợ Tràng, "nàng dâu mới" cũng là người truyền tin cách mạng. Bỏ qua hết những khó khăn, hiện lên nơi thị, lan tỏa đến Tràng, bà cụ tứ là niềm vui, niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

Mặc dù nhân vật thị không được nhà văn Kim Lân tập trung nhiều bút lực, nhưng thông qua tâm trạng thị, ta thấy ánh lên vẻ đẹp của người lao động trước cách mạng. Nhà văn không đặt tên cho thị, đó cũng là một dụng ý nghệ thuật. Không có tên tuổi nhưng thị là hiện thân, là đại diện cho những người dân bình dị. Cái đói là một phép thử khắc nghiệt của nhân cách. Ở đó, người lao động hiện lên với tình người, với lòng ham sống mãnh liệt. Tràng hay bà cụ Tứ, đặc biệt là thị đều hướng mình tới một tương lai tươi sáng hơn. Trước cách mạng, người nông dân chưa có đường lối, chưa được định hướng rõ ràng về con đường giải phóng nhưng họ vẫn luôn kiên cường, mạnh mẽ và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Thị siêng năng trong công việc nhà cửa, lễ phép, đúng mực với bà cụ Tứ, nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc. Đó chính cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của con người lao động Việt Nam. Thể hiện vẻ đẹp của con người lao động là biểu hiện cơ bản của giá trị nhân đạo - giá trị cốt lõi mà Kim Lân muốn thông qua tác phẩm, thông qua nhân vật truyền tải đến bạn đọc. Với "Vợ nhặt", Kim Lân từng tâm sự: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn sống, sống cho ra con người". Thị vẫn sống, sống cho ra một con người như thế.

Bằng cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, không kịch tính nhưng sự sắp xếp các chi tiết gây được sự hứng thú, tò mò cho người đọc cùng với ngôn ngữ gần gũi, giản dị, mộc mạc mang đậm dấu ấn của vùng nông thôn Bắc Bộ và bút pháp miêu tả tâm lí, thế giới nội tâm nhân vật tinh tế. Kim Lân đã khéo léo xuất hiện mà bộc lộ hết tâm trạng và những phẩm chất tốt đẹp của mình. Kim Lân chú trọng khắc họa hành động, cử chỉ, nét mặt của nhân vật để người đọc hiểu được tâm lý của người phụ nữ.Thị tuy bị cái đói làm méo mó cả nhân hình và nhân cách nhưng khi được sống trong tình người, tâm trạng thị đi từ buồn tủi, lo lắng, mặc cảm đến tràn đầy hy vọng, thị được trở lại với bản chất tốt đẹp của mình, cũng là vẻ đẹp của người lao động Việt Nam trước cách mạng.

Kim Lân là nhà văn viết ít, nhưng các tác phẩm của ông đều đem đến những giá trị to lớn. Nói như nhà văn Nam Cao thì “một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn”. Trong truyện ngắn “Vợ nhặt” quả thực Kim Lân để thị “đau đớn” trong cái đói và vượt qua bờ cõi giới hạn của nhân phẩm và danh dự để rồi được trở về “phấn khởi” trong vòng tay bác ái của Tràng, của bà cụ Tứ . Thông qua tình huống nhặt vợ trớ trêu, dở khóc dở cười, tác giả ngầm khẳng định một chân lý: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. (Nguyễn Khải)

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan